Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Đặc sản đất chùa Tàu


Đến Đà Lạt, không tìm mua được khoai lang dẻo về làm quà thì thật là tiếc.

Ban đầu, cái nghề làm khoai lang dẻo này chỉ là tự phát, phục vụ nhu cầu uống trà ngày Tết của các hộ gia đình. Về sau, nó phát triển thành làng nghề, nổi danh đến nỗi, ai đến xứ Đà Lạt cũng tìm mua khoai cho kỳ được.

Cách thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hơn nửa giờ đi bộ, đất Chùa Tàu vẫn còn hoang sơ, nhưng nơi đây đã sớm nổi tiếng với nghề làm khoai lang dẻo, làm hồng giòn. Trên những con dốc dựng đứng, chúng tôi tìm vào những nhà dân, cũng là cơ sở sản xuất những món đặc sản nổi tiếng này.

Đặc sản đất chùa Tàu.

Thực chất Chùa Tàu chỉ là một địa danh du lịch, bởi nơi đây có ngôi chùa của người Tàu xây dựng, còn địa chỉ chính xác là Khe Sanh -TP.Đà Lạt. Tuy nhiên, người dân đã quen gọi địa danh Chùa Tàu gắn với làng khoai lang dẻo. Hỏi thăm địa chỉ của một cơ sở sản xuất khoai lang dẻo, chúng tôi được một chủ quầy hàng chỉ tay về phía những ngôi nhà nằm sâu hun hút dưới thung lũng, chìm trong những tán thông. Nhưng khi tìm đến nơi, thật bất ngờ không khí lao động ở đây đang diễn ra hết sức nhộn nhịp. Chị Lan - chủ một “lò” sản xuất khoai lang dẻo có tiếng trên Đà Lạt cho biết: “Thỉnh thoảng cũng có những khách di lịch nước ngoài đến thăm, có người nói được tiếng Việt lơ lớ, họ đều tỏ ra thích thú với những nông sản chế biến chủ yếu bằng phương pháp thủ công này. Nhiều người còn ở lại chờ cho khoai lang sấy khô đưa ra lò để thưởng thức. Không biết sao mà họ quý cái nghề làm bằng tay chân này dữ thế không biết!…”. Anh Minh - chồng chị Lan cũng vui vẻ cười nói: “Mới đầu có một vài vị khách không mời mà đến chúng tôi cũng ngại, nhưng về sau hiểu rằng, đất Đà Lạt là đất du lịch và những vị khách ấy muốn tìm hiểu những đặc sản của Đà Lạt thì mình cứ sẵn lòng quảng bá”.

Cũng tại cơ sở sản xuất này, chúng tôi nhìn thấy hàng tấn khoai lang tươi chưa được chế biến đang nằm chất chồng. Hỏi ra mới biết, những nguyên liệu này được chị Lan thuê xe tải chở từ Đức Trọng, khi hiếm hàng lấy tận Đắc Nông, mỗi chuyến như vậy chị thường mua từ 5-7 tấn, làm trong độ khoảng 15- 20 ngày là hết. Bà Hai - mẹ của chị Lan tâm sự: “Kể ra, làm nghề này cũng nhọc công lắm, cũng một củ khoai lang ấy, để biến thành sản phẩm phải trải qua biết bao công đoạn, nào là rửa, luộc, bào, thái, sấy…”

Cách nhà chị Lan hơn 500m, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất của chị Thơm. Ngôi nhà cũ thấp nhưng thơm nức mùi khoai lang, nguyên cả căn nhà vàng một màu khoai lang đã sấy khô đang được cho vô bì. Ngoài ra, cơ sở chị còn sản xuất thêm đặc sản hồng sấy khô. Chị cho biết: “Tất cả những sản phẩm này đều làm theo đơn đặt hàng của những mối quen ở chợ Đà Lạt, nhiều khi còn phải đi “vay” bên nhà chị Lan để giao hàng cho đủ đảm bảo uy tín…”. Ở chợ Đà Lạt, hoặc những quầy hàng bán đặt sản này, giá một kg khoai lang dẻo từ 60.000-80.000đ, tuy nhiên tại “lò” chỉ có giá 45.000-50.000đ. Chị Thơm tâm sự: “Nghề này nói làm giàu thì chằng biết bao giờ mới giàu nổi, nhưng cũng đủ ăn đủ sống. Điều quan trọng hơn là giữ được nghề, giữ được những hương vị đặc sản mà nhiều người yêu thích…”.

Còn sức còn làm

Tính ra trên đất Chùa Tàu này có gần 10 cơ sở sản xuất khoai lang dẻo và hồng sấy khô. Nhưng vì mùa hồng đã hết nên một số hộ cũng chuyển qua làm khoai lang. Tại cơ sở sản xuất của chị Lan, có 10 nhân công, trẻ có già có và ai cũng đều rành cách làm khoai lang dẻo. Trong 10 nhân công chị thuê 4 người, còn lại là những người trong gia đình. Những người chị thuê cũng là anh em bà con gần nhà để giúp họ kiếm thêm thu nhập. Chị nói: “Nghề này đâu có thể mở rộng cơ sở sản xuất được, chỉ làm đủ cung cấp cho những người ở chợ Đà Lạt đặt hàng thôi, đâu dám làm nhiều vì nó cũng chỉ là món ăn chơi nhâm nhi nước trà, hoặc làm quà biếu”.

Công việc của những người làm khoai ở đây bắt đầu từ lúc sáng sớm kéo dài cho đến tối mịt, khi nào hết khoai tươi thì được nghỉ năm ba ngày. Tuy công việc đơn giản nhưng cần tính kiên nhẫn, đôi lúc cũng mệt phờ phạc. Đó là những ngày trời mưa, khi chuyển hàng ở xa về, đường vừa trơn lại dốc, mọi người bỏ sức vác khoai vào vì xe không vào được. Hay những lúc nhiều khách hàng đặt hàng “bất tử” mọi người phải làm cả đêm để mai giao hàng cho kịp. Nói về nghề, bà Hai - mẹ của chị Lan cho biết: “Người làm khoai lang khéo tay, là phải chế biến đúng công thức, miếng khoai đủ mỏng, vừa bùi, vừa ngọt, lại vừa dai, muốn vậy phải biết cách sấy khoai, đừng để khoai cháy quá sẽ có vị đắng, còn khoai chưa rút cạn nước thì ít ngọt…”. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, bà Hai giờ đây có thể nghe mùi khoai là đoán biết khoai đó đã được sấy khô bao nhiêu giờ. Bà kể: “Lúc đầu, khoai lang dẻo chỉ làm để ăn chơi uống trà mỗi khi Tết đến, nhưng càng về sau nó lại càng được ưa chuộng vì vị bùi, vị ngọt và thơm của nó, vậy là đặc sản khoai dẻo ra đời”. Có thể nói, ở làng làm khoai lang dẻo đất Chùa Tàu này, bà là người lớn tuổi nhất. Thế nhưng bà vẫn tâm niệm “còn sức thì vẫn cứ làm”. Vì theo bà, đó không chỉ là nghề mà còn là một nét văn hóa ẩm thực của một loại củ rất thông dụng và dân dã ở Việt Nam.

Niềm vui của những người sản xuất khoai lang dẻo ở đây, không chỉ là làm ra được đồng tiền nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn tạo nên được một thương hiệu đặc sản Đà Lạt.


0 nhận xét :

Đăng nhận xét